Một sự kết hợp của 2 khái niệm quan trọng nhất trong thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay: AI + IoT = AIoT. Tuy chưa thực sự phổ biến, AIoT lại vẫn đang dần trở nên thông dụng trong đời sống hiện nay. Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc về AIoT là gì và tại sao nó lại là trở thành một phần không thể thiếu của thời đại tự động hóa hiện nay.
1. AIoT là gì?
AIoT (Artificial intelligence of things – Trí tuệ nhân tạo của vạn vật) là sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và hạ tầng vạn vật kết nối internet IoT. Mục tiêu của AIoT là tạo ra các hoạt động IoT hiệu quả hơn, cải thiện tương tác giữa con người và máy, đồng thời tăng cường quản lý và phân tích dữ liệu.
AI là sự mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người được xử lý bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính, và thường được sử dụng trong việc phân tích – xử lý ngôn ngữ, nhận dạng giọng nói và thị giác máy tính.
IoT là một hệ thống gồm các thiết bị máy tính, cơ khí và kỹ thuật số hoặc các đối tượng nhận dạng duy nhất có khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu tương tác giữa con người với con người hoặc con người với máy tính.

Việc kết hợp AI và IoT mang lại lợi ích cho cả hai công nghệ. AI tăng thêm giá trị cho IoT thông qua khả năng học máy và cải thiện quá trình ra quyết định. Ngoài ra, AI còn cho phép các thiết bị IoT sử dụng những tập dữ liệu lớn đã được thu thập để phân tích, học hỏi và đưa ra quyết định tốt hơn mà không cần sự can thiệp của con người.
Trong khi đó, IoT tăng thêm giá trị cho AI thông qua kết nối, truyền tín hiệu và trao đổi dữ liệu. AIoT có thể cải thiện hoạt động kinh doanh và các dịch vụ doanh nghiệp bằng cách tạo ra nhiều giá trị hơn từ dữ liệu do IoT tạo ra.
2. Nguyên lý hoạt động của AIoT
Trong 1 hệ thống AIoT, có thể xem IoT như hệ thống thần kinh kỹ thuật số, còn AI chính là bộ não hệ thống để tiếp nhận thông tin và điều khiển hoạt động.
Trong các thiết bị AIoT, AI được tích hợp vào các thành phần cơ sở hạ tầng, như các phần mềm và chipset. Tất cả đều được kết nối thông qua mạng lưới IoT. Sau đó, các API được sử dụng để đảm bảo tất cả các thành phần (phần cứng, phần mềm và nền tảng) có thể hoạt động và giao tiếp với nhau mà không cần sự hỗ trợ từ người dùng cuối.
Khi hoạt động, các thiết bị IoT tạo ra và thu thập dữ liệu. Sau đó, AI sẽ phân tích dữ liệu này để cung cấp thông tin chi tiết và sâu sắc nhằm cải thiện hiệu suất và năng suất. AI sử dụng các quy trình như học dữ liệu để có được thông tin này.

Dữ liệu AIoT cũng có thể được xử lý tại vị trí gần các thiết bị này để giảm thiểu băng thông cần thiết cho việc truyền tải dữ liệu và tránh trễ trong quá trình phân tích dữ liệu.
3. Ứng dụng của AIoT trong đời sống 4.0
3.1 Thành phố thông minh
Công nghệ thông minh như cảm biến, đèn chiếu sáng và các thiết bị đo đạc được sử dụng để thu thập dữ liệu, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân.

3.2 Hệ thống bán hàng thông minh
Trong một môi trường bán lẻ thông minh, một hệ thống camera được trang bị trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định khách hàng khi họ bước qua cửa.
Hệ thống sẽ thu thập thông tin về khách hàng, bao gồm giới tính, sở thích, thói quen mua hàng, mức độ thường xuyên ghé thăm cửa hàng, và sau đó phân tích dữ liệu để dự đoán chính xác hành vi của người tiêu dùng. Những thông tin này sẽ được sử dụng để đưa ra quyết định về hoạt động của cửa hàng, từ chiến lược marketing đến bố trí sản phẩm và các quyết định khác.

3.3 Tòa nhà văn phòng, nhà máy, trường học thông minh
Một lĩnh vực khác mà Trí tuệ nhân tạo vạn vật AIoT phát huy hiệu quả là ở các tòa nhà văn phòng, trường học hay các nhà máy, xí nghiệp. Trong đó, hệ thống Camera AI được sử dụng để nhận diện một cách thông minh.
Ví dụ, một số công ty lắp đặt mạng lưới cảm biến môi trường thông minh trong tòa nhà và văn phòng của họ. Các cảm biến này có khả năng phát hiện sự hiện diện của con người và điều chỉnh nhiệt độ cũng như ánh sáng phù hợp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trong một trường hợp khác, tổ chức và doanh nghiệp có thể kiểm soát quyền ra vào tòa nhà thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Sự kết hợp giữa camera nhận diện và trí tuệ nhân tạo có thể so sánh hình ảnh chụp trong thời gian thực với cơ sở dữ liệu để xác định ai được cấp quyền truy cập vào một tòa nhà hay nhà máy.
Tương tự, doanh nghiệp không cần phải có nhân sự phục vụ công tác đo thân nhiệt của người ra vào. Hệ thống camera đo thân nhiệt tự động sẽ xử lý nhiệm vụ này, với khả năng nhận diện từ xa và tích hợp vào khóa cửa, khóa cổng, barrier và các thiết bị khác. Điều này giúp các nhà máy, trường học và doanh nghiệp có thể giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa những người được đo thân nhiệt.
3.4 Quản lý đội xe và Phương tiện Tự lái
AIoT được áp dụng trong việc quản lý đội xe ngày nay, giúp giám sát các phương tiện trong đội xe, giảm chi phí nhiên liệu, theo dõi bảo dưỡng và phát hiện hành vi lái xe không an toàn. Thông qua các thiết bị IoT như GPS và cảm biến khác, cùng với hệ thống trí tuệ nhân tạo, các công ty có thể tối ưu quản lý đội xe của mình thông qua AIoT.

Một ứng dụng khác của AIoT hiện nay là trong các phương tiện tự hành, ví dụ như hệ thống lái tự động của Tesla sử dụng radar, sonar, GPS và camera để thu thập dữ liệu về điều kiện lái xe, sau đó hệ thống AI sẽ phân tích và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu mà các thiết bị này thu thập thông qua internet.
3.5 Robot giao hàng tự động
Giống như cách AIoT được sử dụng với các phương tiện tự lái, robot giao hàng tự động là một ví dụ khác về AIoT trong hoạt động. Robot này được trang bị các cảm biến để thu thập thông tin về môi trường mà nó di chuyển qua, và dựa trên nền tảng AI tích hợp của mình, robot sẽ đưa ra quyết định từng khoảnh khắc về cách phản ứng.
4. Lợi ích của AIoT đối với Doanh nghiệp
Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu thời gian thực, các doanh nghiệp đang tận dụng trí tuệ nhân tạo vạn vật AIoT để tạo ra giá trị thực như sau:
- Tự động hóa các tác vụ thủ công thông qua hệ thống có khả năng ra quyết định tự chủ, tăng năng suất và hiệu quả.
- Tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí giao dịch cận biên.
- Tăng tốc độ chuyển đổi dữ liệu thành giá trị kinh doanh hữu hình.
- Dễ dàng triển khai và mở rộng hoạt động kinh doanh với thông tin chi tiết tập trung và quyết định nhanh chóng.
- Quản lý và tương tác với khách hàng một cách tốt hơn thông qua các bot nâng cao và công nghệ nhận dạng giọng nói.
- Tiến hành thử nghiệm liên tục và lặp lại các sản phẩm và dịch vụ liên quan.
- Cập nhật sản phẩm hoặc phát hành mới nhanh chóng.
- Phân tích dữ liệu được thực hiện bởi AI, giúp tiết kiệm nhân lực. Nhân viên không phải dành nhiều thời gian để giám sát các thiết bị IoT, tận dụng các chi phí cho các nguồn lực liên quan tốt hơn cho các việc khác.

Thực tế, AIoT đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và công nghiệp. Bao gồm các lĩnh vực như hàng không, y tế, giáo dục, tài chính, sản xuất công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ,… Điều này được coi là một giải pháp khả thi để áp dụng trong quá trình chuyển đổi số, cải thiện hiệu quả vận hành và quản lý cho các doanh nghiệp.